Nền tảng thương mại điện tử AliExpress thuộc tập đoàn khổng lồ Alibaba của Trung Quốc đã ký hợp đồng với cựu đội trưởng đội tuyển bóng đá Anh David Beckham làm đại sứ thương hiệu, nhằm bắt kịp trong cuộc cạnh tranh với Temu của Pinduoduo Holdings, khi bán hàng giá rẻ sản xuất tại Trung Quốc ra toàn cầu.
AliExpress, một trang thương mại điện tử xuyên biên giới đã hoạt động âm thầm trước đây, đang tích cực đầu tư để nâng cao doanh số toàn cầu trong bối cảnh tăng trưởng thương mại điện tử trong nước chững lại. Bộ phận kinh doanh quốc tế của họ, bao gồm AliExpress, là đơn vị tăng trưởng nhanh nhất với doanh thu tăng đột biến 45% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 so với cùng kỳ năm trước.
Vào đầu năm nay, AliExpress cũng trở thành nhà tài trợ cho giải vô địch bóng đá châu Âu 2024, sự kiện sẽ khởi tranh vào tháng 6. AliExpress dự kiến đầu tư hàng triệu đô la cho các chương trình giảm giá, ưu đãi và tương tác để thu hút người tiêu dùng trực tuyến.
Trong một tuyên bố vào thứ Hai, AliExpress cho biết một chiến dịch quảng cáo với sự góp mặt của Beckham sẽ diễn ra đồng thời với kỳ Euro, khuyến khích người tiêu dùng "nhận được nhiều hơn" thông qua AliExpress.
Trước đó, Temu đã phát sóng nhiều quảng cáo trong suốt giải Super Bowl năm nay, khuyến khích người tiêu dùng Mỹ "mua sắm như tỷ phú".
Theo dữ liệu từ công ty tình báo di động Apptopia, lượt tải ứng dụng Temu vào ngày Super Bowl đã tăng đột biến 34% so với ngày hôm trước.
Humphrey Ho, đối tác điều hành tại Mỹ của công ty quảng cáo kỹ thuật số Hylink Digital, cho biết người hâm mộ bóng đá ở châu Âu và châu Mỹ Latinh có nhiều điểm tương đồng trong thói quen tiêu dùng với người hâm mộ bóng bầu dục Mỹ ở Bắc Mỹ. Họ chủ yếu là những người tiêu dùng nhạy cảm với giá cả, bị ảnh hưởng bởi lạm phát, đây cũng là lý do Temu và AliExpress hiện tại chọn tập trung vào người hâm mộ bóng đá.
Cục diện cạnh tranh
Mặc dù Alibaba đã nhìn thấy tiềm năng thị trường nước ngoài từ lâu, nhà sáng lập Jack Ma vào năm 2017 cho biết mục tiêu của Alibaba là phục vụ 2 tỷ người tiêu dùng toàn cầu vào năm 2036, nhưng tại nhiều thị trường, Alibaba đã phải đuổi theo thị phần đã bị Temu chiếm lĩnh.
Li Jianggan, nhà sáng lập và CEO của công ty đầu tư mạo hiểm và tư vấn Momentum Works, cho biết: "Trong lịch sử, khả năng thực thi luôn là điểm nghẽn trong tham vọng quốc tế của Alibaba."
"Alibaba đã dành nhiều năm tranh luận liệu cạnh tranh với Amazon trên thị trường Mỹ có quá khó khăn hay không, trong khi Temu thì trực tiếp hành động."
Kể từ khi ra mắt vào năm 2022, Temu đã nhanh chóng nổi tiếng bằng việc bán các mặt hàng như tai nghe giá 5 đô la và váy liền 10 đô la tại hơn 60 thị trường toàn cầu. Công ty quản lý đầu tư Trung Quốc, CICC, ước tính doanh thu của Temu sẽ đạt 18 tỷ đô la vào năm 2023.
Pinduoduo không công khai tiết lộ dữ liệu về doanh thu của Temu và cũng không bình luận về tính chính xác của các ước tính từ bên thứ ba.
Để cạnh tranh tốt hơn với đối thủ, Alibaba đang tận dụng lợi thế cạnh tranh của mình, cung cấp dịch vụ giao hàng trong vòng năm ngày cho một số sản phẩm tại 11 thị trường, được hỗ trợ bởi các khoản đầu tư vào logistics toàn cầu.
Vụ mua lại công ty con về logistics Cainiao vào tháng 3 năm nay có thể gia tăng ưu thế của AliExpress trong lĩnh vực logistics.
Hiện tại, AliExpress có hoạt động kinh doanh tại hơn 100 thị trường toàn cầu.
Li Jianggan cho biết, Alibaba có đủ ý chí và tài chính để thúc đẩy sự tăng trưởng của AliExpress, nhưng điều quan trọng hơn là cục diện cạnh tranh buộc họ phải thay đổi, từ đó làm thay đổi cục diện thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc.
"AliExpress cần phải tìm ra cách để cạnh tranh và tạo sự khác biệt với Temu nhằm giành được thị phần," Li Jianggan nói.
"Không còn lựa chọn nào khác."