Lời phát biểu của bốn quan chức quốc phòng và công nghiệp Ấn Độ, cùng với việc Reuters xem xét các tài liệu liên quan cho thấy, do lo ngại về các lỗ hổng an ninh, Ấn Độ đã cấm các nhà sản xuất máy bay không người lái quân sự trong nước sử dụng linh kiện từ Trung Quốc trong những tháng gần đây.
Thời điểm Ấn Độ đưa ra lệnh cấm này thật đáng chú ý. Một mặt, mối quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân Ấn Độ và Trung Quốc đang trong tình trạng căng thẳng. Mặt khác, Ấn Độ đang tiến hành hiện đại hóa quân sự, New Delhi dự định sử dụng nhiều hơn các máy bay không người lái bốn trục, hệ thống bay dài hạn và các nền tảng tự động khác như Tapas.
Trong khi ngành công nghiệp máy bay không người lái mới nổi của Ấn Độ đang tìm cách đáp ứng nhu cầu của quân đội, các nhà lãnh đạo của bộ phận an ninh Ấn Độ lo ngại rằng công tác thu thập thông tin tình báo có thể bị ảnh hưởng bởi các thành phần như chức năng truyền thông, camera, truyền dẫn sóng vô tuyến và phần mềm vận hành của máy bay không người lái được sản xuất tại Trung Quốc.
Các tài liệu mà Reuters có được cho thấy, trong hai cuộc họp về đấu thầu máy bay không người lái được tổ chức vào tháng 2 và tháng 3 năm nay, các quan chức quân đội Ấn Độ đã nói với các bên đề xuất thầu rằng, vì lý do an ninh, họ sẽ không chấp nhận thiết bị hoặc bộ phận từ các quốc gia có tranh chấp biên giới với Ấn Độ. Đây là hành động bổ sung cho lệnh hạn chế nhập khẩu máy bay không người lái theo từng giai đoạn kể từ năm 2020 của Ấn Độ.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi luôn tìm cách phát triển khả năng máy bay không người lái của Ấn Độ để đối phó với các mối đe dọa mà ông cảm nhận được. Ấn Độ đã dành ra 1,6 nghìn tỷ Rupee (19,77 tỷ USD) cho việc hiện đại hóa quân sự trong năm tài khóa 2023-2024, trong đó 75% được dành cho ngành công nghiệp trong nước.
Công ty NewSpace Research and Technologies có trụ sở tại Bangalore, nhà cung cấp máy bay không người lái nhỏ cho lực lượng vũ trang Ấn Độ, người sáng lập Sameer Joshi cho biết, 70% sản phẩm trong chuỗi cung ứng máy bay không người lái của Ấn Độ là sản xuất tại Trung Quốc, và lệnh cấm linh kiện Trung Quốc buộc nhà sản xuất phải mua linh kiện từ nơi khác, từ đó làm tăng chi phí sản xuất máy bay không người lái quân sự của Ấn Độ.
Joshi cho biết, việc chuyển sang sử dụng linh kiện không phải của Trung Quốc đã làm tăng chi phí đáng kể, một số nhà sản xuất vẫn nhập khẩu nguyên liệu thô từ Trung Quốc nhưng sẽ dán nhãn “white label” lên chúng và trong một chừng mực nào đó giữ chi phí trong tầm kiểm soát. Nếu tôi nói chuyện với một nhà cung cấp từ Ba Lan, rất có thể linh kiện họ cung cấp vẫn xuất xứ từ Trung Quốc.
Do thiếu công nghệ chính để sản xuất một số loại máy bay không người lái, Ấn Độ phụ thuộc vào nhà sản xuất nước ngoài cho cả bộ phận lẫn toàn bộ hệ thống. Động cơ máy bay không người lái là một trong những thách thức lớn nhất mà công nghệ máy bay không người lái của Ấn Độ phải đối mặt, nhiều loại động cơ sản xuất trong nước không đáp ứng được yêu cầu của máy bay không người lái.
Giám đốc Cơ quan Phát triển Hàng không Quốc gia Ấn Độ (ADE) Y. Dilip cho biết, một dự án hệ thống máy bay không người lái ở độ cao trung bình và dài hạn do chính phủ tài trợ đã bị trì hoãn ít nhất 5 năm, yêu cầu máy bay không người lái có thể đạt độ cao chiến đấu 30.000 feet và lưu lại trên không trong 24 giờ.
Mặc dù nền tảng máy bay không người lái tự chủ Tapas đã đáp ứng hầu hết các yêu cầu, nhưng vẫn cần công việc bổ sung để đạt được mục tiêu của quân đội. Ngoài Tapas, dự kiến bắt đầu thử nghiệm trong tháng này, ADE cũng đang nghiên cứu về nền tảng máy bay không người lái tàng hình và máy bay không người lái dài hạn ở độ cao cao, tuy nhiên cả hai đều cần nhiều năm nghiên cứu.
Để lấp đầy khoảng trống của máy bay không người lái trong hệ thống quốc phòng, Ấn Độ đã công bố việc mua 31 máy bay không người lái MQ-9 (máy bay không người lái Reaper) từ Mỹ với giá hơn 3 tỷ USD vào tháng 6.
Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman đã hứa trước đó rằng một phần tư trong số 232,6 tỷ Rupee (2,83 tỷ USD) ngân sách nghiên cứu và phát triển quốc phòng của năm nay sẽ được dành cho các doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, do chu kỳ giao hàng dài và khả năng cao không nhận được đơn đặt hàng, các doanh nghiệp tư nhân lớn của Ấn Độ ít đầu tư vào nghiên cứu và phát triển quân sự.
Trước tình hình trên, chuyên gia máy bay không người lái tại Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng Manohar Parrikar của Ấn Độ, R.K. Narang, cho rằng cần phải có một chiến lược quốc gia nhất quán để lấp đầy khoảng trống công nghệ, nhằm cung cấp các sản phẩm có khả năng thương mại và Ấn Độ cần chấp nhận chi phí cao hơn để thúc đẩy ngành sản xuất trong nước.