Chính phủ miền đông Libya đã tuyên bố vào ngày 26 tháng 8 rằng tất cả các mỏ dầu, cảng và cơ sở dầu mỏ sẽ dừng sản xuất và xuất khẩu do tình trạng “bất khả kháng”, phản ứng trước động thái của chính phủ Tripoli nhằm tiếp quản ngân hàng trung ương. Libya, quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất châu Phi, đã trải qua tình trạng bất ổn chính trị từ năm 2011, ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp dầu khí. Tranh chấp lần này liên quan đến việc giành quyền kiểm soát ngân hàng trung ương và quản lý hàng tỷ USD thu nhập từ dầu mỏ.
Nhà phân tích Francesco Martoccia của Citibank cho biết, nền kinh tế Libya phụ thuộc rất nhiều vào thu nhập từ dầu mỏ, ai kiểm soát việc quản lý tài chính sẽ nắm quyền chủ đạo về kinh tế. Tranh chấp này đã trở thành tâm điểm của các xung đột phe phái, mỗi bên đều bảo vệ lợi ích kinh tế của mình. Trước tình hình hỗn loạn, nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu thô nhẹ, ít lưu huỳnh tăng lên, giá dầu Brent có thể tăng tới khoảng từ 80 đến 89 USD mỗi thùng.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết, nếu tình hình này kéo dài, thị trường giao ngay sẽ tiếp tục căng thẳng và thời gian gián đoạn nguồn cung sẽ khó dự đoán.
Trong khi đó, tình hình Trung Đông cũng đang leo thang. Ngày 25 tháng 8, Lebanon và Israel đã tấn công các mục tiêu của nhau, gây lo ngại về một cuộc chiến khu vực. Ngày 26 tháng 8, Ngoại trưởng Iran Araghchi đăng trên mạng xã hội rằng Iran sẽ có phản ứng chắc chắn và có kế hoạch đối với “hành động khủng bố” của Israel. Iran không sợ tình hình căng thẳng, nhưng cũng không tìm cách mở rộng tình trạng này.