Hội nghị thường niên của Ngân hàng trung ương tại Jackson Hole diễn ra vào tuần này, đã trở thành một rủi ro mà Ngân hàng trung ương Nhật Bản không thể không đối mặt. Các quan chức của Ngân hàng trung ương Nhật Bản lo ngại rằng, bình luận cứng rắn có thể được đưa ra bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong cuộc họp này, sẽ dẫn đến việc đồng yên một lần nữa bị bán tháo mạnh, buộc giới chức Nhật Bản phải can thiệp vào tỷ giá hối đoái của đồng yên.
Xét về lịch sử, Hội nghị Jackson Hole luôn là cơ hội để các ngân hàng trung ương truyền đạt các thay đổi chính sách tương lai đến thị trường tài chính, nhiều người đứng đầu ngân hàng trung ương đã bày tỏ thông tin vô cùng quan trọng trong các cuộc họp trước đây. Chẳng hạn như vào năm 2010, cựu Chủ tịch FED Ben Bernanke đã đề xuất triển khai chính sách nới lỏng định lượng, buộc Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Nhật Bản lúc bấy giờ, Masaaki Shirakawa, phải triệu tập cuộc họp khẩn cấp để đối phó với sự tăng giá mạnh của đồng yên.
Ngân hàng trung ương Nhật Bản lo ngại rằng, mặc dù thị trường tài chính dự báo FED sẽ sớm kết thúc quá trình tăng lãi suất, nhưng với việc giá năng lượng và thực phẩm vững chắc, áp lực lạm phát tiếp tục ở mức cao, có thể buộc FED phải tăng lãi suất thêm nữa hoặc giữ mức lãi suất cao trong thời gian lâu hơn, từ đó khiến tỷ giá hối đoái của đồng yên tiếp tục mất giá.
Sự yếu đuối của đồng yên không chỉ thu hút sự chú ý chặt chẽ từ các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Nhật Bản mà còn gây ra vấn đề chính trị cho Thủ tướng đương nhiệm Fumio Kishida, với việc bên ngoài chỉ trích chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của Nhật Bản đã khiến chi phí nhập khẩu tăng cao. Masafumi Yamamoto, chuyên gia chiến lược ngoại hối hàng đầu của Mizuho Securities, cho biết, giới chức Nhật Bản không lo lắng về sự yếu kém của đồng yên như vào tháng 9 và tháng 10 năm ngoái, nhưng nếu kinh tế xấu đi ảnh hưởng đến tỷ lệ ủng hộ của chính phủ, khả năng Nhật Bản can thiệp vào tỷ giá hối đoái sẽ tăng lên.
Gần đây, mặc dù tỷ giá hối đoái của đồng yên một lần nữa đã vượt qua mức kích hoạt can thiệp là 145, điểm của năm ngoái, nhưng Ngân hàng trung ương Nhật Bản chưa gửi thông điệp quan tâm đến tỷ giá hối đoái tới thị trường. Có hai nguyên nhân chính khiến Ngân hàng trung ương Nhật Bản giữ im lặng, một là vì ngưỡng can thiệp vào tỷ giá hối đoái của đồng yên dưới bối cảnh hiện tại khá cao, hai là bởi sự mất giá của đồng yên đã hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu và dịch vụ du lịch đến Nhật Bản.
Ba quan chức chính phủ am hiểu chính sách tiền tệ của Nhật Bản cho biết, nếu Jerome Powell phát biểu với tư duy diều hâu tại hội nghị thường niên của ngân hàng trung ương và thúc đẩy đồng yên mất giá nhanh chóng, Ngân hàng trung ương Nhật Bản có thể sẽ thay đổi tình trạng bị động hiện tại của mình. Ngoài ra, mặc dù giới chức Nhật Bản đã nói rằng, quyết định can thiệp dựa trên tốc độ mất giá chứ không phải mức tỷ giá, nhưng nếu tỷ giá của đồng yên vượt qua mức 150 sẽ tăng áp lực chính trị lên chính phủ của Fumio Kishida, từ đó buộc Nhật Bản phải tăng khả năng can thiệp vào tỷ giá hối đoái.
Mặc dù tỷ lệ lạm phát cốt lõi của Nhật Bản đã liên tục vượt qua mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương Nhật Bản trong 16 tháng liên tiếp, nhưng do lo ngại về triển vọng kinh tế mong manh, Ngân hàng trung ương Nhật Bản tiếp tục duy trì lãi suất cực thấp và chính sách tiền tệ siêu nới lỏng. Trong khi đó, dưới sự hỗ trợ của lạm phát ở mức cao, giá năng lượng và thực phẩm vững, FED có thể sẽ tăng lãi suất thêm hoặc duy trì mức lãi suất cao trong một thời gian dài hơn. Sự khác biệt trong chính sách tiền tệ của hai ngân hàng trung ương đã chi phối xu hướng giảm giá liên tục của tỷ giá hối đoái đồng yên.
Daisaku Ueno, chuyên gia chiến lược ngoại hối hàng đầu của Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities, cho biết, trước khi FED dừng quá trình tăng lãi suất và Ngân hàng trung ương Nhật Bản từ bỏ chính sách siêu nới lỏng, dù có can thiệp, Nhật Bản cũng không thể đảo ngược xu hướng giảm giá liên tục của tỷ giá hối đoái đồng yên.