Nhật Bản dự định giữ vững mục tiêu đạt thặng dư ngân sách cơ bản trong năm tài chính tới, được nêu trong dự thảo hướng dẫn chính sách lập kế hoạch ngân sách hàng năm.
Dự thảo cũng chỉ ra rằng, chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực giảm tỷ lệ nợ công so với tổng sản phẩm quốc nội.
Theo dự báo của chính phủ vào tháng Một, với giả định kinh tế tiếp tục tăng trưởng mạnh và các biện pháp cắt giảm chi tiêu tiếp tục được thực hiện, nền kinh tế lớn thứ tư thế giới có thể đạt thặng dư ngân sách cơ bản vào năm tài chính 2025.
Cán cân ngân sách cơ bản của Nhật Bản (không bao gồm việc phát hành trái phiếu mới và chi phí phục vụ nợ) hầu hết thời kỳ sau chiến tranh đều ở trạng thái thâm hụt, chỉ ngoại trừ giai đoạn bong bóng tài sản từ 1986 đến 1991.
Do đó, nợ công hiện tại của Nhật Bản là nghiêm trọng nhất trong các quốc gia công nghiệp hóa, vượt hơn gấp đôi quy mô kinh tế. Nhật Bản lần đầu tiên đề ra mục tiêu thặng dư ngân sách cơ bản vào đầu những năm 2000, nhưng ngày mục tiêu đã bị hoãn nhiều lần.
Dự thảo cho biết, "Nhật Bản hiện đang đối mặt với cơ hội chưa từng có để thoát khỏi giảm phát và đạt được tăng trưởng kinh tế. Chúng ta cần tiến lên phía trước để thực hiện phục hồi kinh tế và tình hình tài chính mạnh mẽ."
Tuy nhiên, dự thảo cũng đề cập rằng, mục tiêu đạt thặng dư ngân sách cơ bản không nên có nghĩa là chính phủ bị tước quyền chọn lựa các chính sách then chốt trong một số tình huống kinh tế.
Dự thảo còn nhấn mạnh, chính phủ cần hợp tác chặt chẽ với Ngân hàng Trung ương và hướng dẫn chính sách một cách "linh hoạt" để đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững do nhu cầu từ khu vực tư nhân thúc đẩy.
Dự thảo còn đề cập, "chính sách tiền tệ đã bước vào giai đoạn mới", và ghi nhận Ngân hàng Nhật Bản đã kết thúc tám năm chính sách lãi suất âm vào tháng Ba.
Dự thảo của chính phủ sẽ được trình lên các nghị sĩ đảng cầm quyền để xem xét trước cuộc họp nội các ngày 21 tháng 6.