Báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc tiết lộ rằng, tình hình kinh tế của Dải Gaza đã suy giảm nghiêm trọng dưới tác động của các cuộc xung đột gần đây, hiện chỉ còn bằng một phần sáu so với trước xung đột. Kể từ khi Israel phát động chiến dịch quân sự vào tháng 10 năm 2022, kinh tế Gaza bị mô tả là "tàn phá nghiêm trọng".
Tại cuộc họp báo, Phó Tổng thư ký Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), ông Pedro Manuel Moreno cho biết, nền kinh tế Palestine đang đối mặt với những thách thức chưa từng có. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động khẩn cấp để ngăn chặn cuộc khủng hoảng này, giảm nhẹ thảm họa nhân đạo và đặt nền móng cho hòa bình lâu dài trong khu vực.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, do viện trợ quốc tế giảm và việc Israel giữ lại các khoản thu tài chính, tình hình tài chính của Palestine ngày càng xấu đi. Kể từ năm 2019, Israel đã giữ lại 1,4 tỷ USD với lý do chính quyền Palestine ủng hộ các hoạt động bạo lực, dù chính quyền này phủ nhận các cáo buộc liên quan.
Kinh tế ở khu vực Bờ Tây cũng bị ảnh hưởng nặng nề, tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 12,9% lên 32%. Tình trạng khó khăn này bắt nguồn từ căng thẳng khu vực và các hạn chế về thương mại và giao thông do Israel áp đặt. Ngoài ra, các vụ bạo lực bùng phát kể từ khi xung đột diễn ra đã gây ra nhiều thương vong và làm tình hình ngày càng xấu đi.